Theo y học cổ truyền (YHCT), trí nhớ có liên quan đến tạng tâm, thận và tỳ (tâm tàng thần, thận tàng chí, tỳ tàng ý). Khi các chức năng này ổn định sẽ giúp con người có hoạt động tinh thần phong phú và trí nhớ minh mẫn.
Viễn chí(Radix Polygalae):
Là rễ phơi hay sấy khô của cây viễn chí lá nhỏ và cây viễn chí Xiberi tức viễn chí lá trứng. Theo YHCT, viễn chí có vị đắng, cay, tính ấm, quy vào các kinh tâm, thận, phế. Với công năng ích trí, an thần, khai khiếu, hóa đàm chỉ ho, giải độc. Dùng khi tâm thần bất an, mất ngủ, tim hồi hộp, hay quên, chóng mặt, tai ù, mắt mờ, ho, nhiều đờm, mụn nhọt. Lưu ý: Dùng viễn chí giúp tăng trí nhớ, thích hợp đối với những người cao tuổi, người mới ốm dậy tinh thần mệt mỏi lại mắc một số bệnh mạn tính về tâm thần: viễn chí, đương quy, cam thảo mỗi vị 4g; đảng sâm, mộc hương mỗi vị 6g; bạch truật, hoàng kỳ, phục thần, hắc táo nhân mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống 3 – 4 tuần lễ. Tuy nhiên người thực nhiệt, sốt cao, cảm nặng, phụ nữ có thai không nên dùng.
Xương bồ:
Là tên chỉ chung của hai vị thuốc, thạch xương bồ (Rhizoma Acori graminei), thân rễ của cây thạch xương bồ lá to, họ ráy và thủy xương bồ, thân rễ của cây thủy xương bồ đã được phơi hay sấy. Theo YHCT, xương bồ có vị cay, hơi đắng, tính ấm, vào các kinh tâm, can, tỳ, với công năng chung thông khiếu, tỉnh thần, tăng trí nhớ, trục đờm, chỉ ho, bình suyễn, tán phong, giải độc sát khuẩn. Chủ trị: đờm bít tắc, hôn mê (trúng phong, trúng thử), viêm phế quản, ho, nhiều đờm, suyễn tức, khó thở, tai ù, tai điếc, tim loạn nhịp.
Riêng thủy xương bồ còn trị đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy. Khi dùng có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị tăng trí nhớ khác: xương bồ, viễn chí mỗi vị 6g; cát cánh, đương quy, bá tử nhân, hắc táo nhân, cam thảo mỗi vị 10g; đan sâm, đảng sâm, mạch môn, thiên môn mỗi vị 12g; ngũ vị tử 4g, chu sa 2g. Riêng chu sa cần chế theo phương pháp thủy phi, lấy bột mịn hòa vào nước sắc của phương thuốc trên mà uống. Lưu ý: Những người âm hư hỏa vượng, hoạt tinh, ra nhiều mồ hôi không nên dùng.
Nhân sâm (Radix Ginseng):
Là rễ của cây nhân sâm. Theo YHCT, nhân sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính hơi ôn, vào kinh tỳ, phế, với công năng đại bổ nguyên khí, định thần, ích trí, sinh tân chỉ khát. Là vị thuốc bổ khí đầu vị của YHCT, được dùng khi chân khí suy giảm, cơ thể mệt mỏi, tinh thần căng thẳng, suy nhược, trí nhớ suy giảm. Có thể chỉ dùng riêng nhân sâm, ngày 3 – 9g, hãm uống; hoặc nhân sâm 8g, bạch phục linh, bạch truật, cam thảo mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 3 tuần lễ. Lưu ý: Các trường hợp đầy, trướng bụng, đau bụng tiêu chảy hoặc viêm đại tràng, phân thường xuyên sống nát, tăng huyết áp không nên dùng.
Ích trí nhân
(Fructus Alpiniae oxyphyllae): Là quả chín phơi khô hay sấy khô của cây ích trí. Theo YHCT, ích trí nhân có vị cay, tính ấm, vào các kinh tỳ, thận, với công năng ôn thận, cố tinh, ôn tỳ, chỉ tả. Dùng khi đau bụng tiêu chảy, tiểu nhiều, di tinh, người mệt mỏi, suy nhược, hay quên. Có thể dùng riêng dưới dạng thuốc sắc, hoặc hãm, uống. Hoặc ích trí nhân, hoài sơn, ô dược đồng lượng, tán bột mịn, mỗi lần uống 12g, ngày 2 – 3 lần.
Long nhãn(Arillus longan):
Là cùi quả nhãn phơi hay sấy khô. Theo YHCT, long nhãn có vị ngọt, tính bình, vào 2 kinh tâm, tỳ. Với công năng bổ huyết, an thần, ích trí, kiện tỳ. Dùng trong các trường hợp thiếu máu, da xanh xao, gầy yếu, cơ thể suy nhược, đoản hơi, tim hồi hộp, loạn nhịp, mất ngủ thường xuyên, giấc ngủ không ngon, kém ăn, mệt mỏi, trí nhớ suy giảm: long nhãn, bạch truật, phục thần, hoàng kỳ, hắc táo nhân mỗi vị 12g; nhân sâm, viễn chí, cam thảo mỗi vị 8g; đương quy 10g.