Latest Update

Dùng lò vi sóng nên lưu ý những gì?

Nên dùng đồ đựng thức ăn bằng thủy tinh, đồ sứ, gốm… Không bao giờ sử dụng đồ sứ có viền kim loại, đồ kim loại hút giữ nhiệt.

Những năm gần đây, lò vi ba (còn gọi là lò vi sóng) đã trở thành phương tiện nấu nướng, hâm nóng thức ăn rất tiện lợi trong bếp của nhiều gia đình, nhất là mùa đông  giá rét và những bữa cỗ Tết. Nhưng nhiều người băn khoăn liệu dùng lò viba có an toàn cho sức khỏe không? 

lo-vi-song-1 

Nguyên tắc của lò vi ba là sử dụng sóng điện từ cực ngắn để làm chín thực phẩm. Dưới ảnh hưởng của sóng điện từ, nước trong thực phẩm chuyển động nhanh mạnh, sinh ra nhiệt và làm chín thức ăn. Với các bếp nấu thông thường, nhiệt độ tác động  vào thực phẩm dần dần từ ngoài vào trong nên thực phẩm sẽ chín từ ngoài vào trong, mặt ngoài sém vàng. Trái lại, ở lò viba thì sóng chui sâu khoảng 2,5cm, làm chín thực phẩm từ trong ra, nên thời gian nấu nhanh hơn bếp thường tới 4 lần và dùng ít năng lượng hơn. 

Lò vi sóng rất thuận tiện làm chín và hâm nóng thức ăn. Khi hâm nóng món ăn, không cần cho thêm nước mà cũng không sợ món ăn khô cháy hoặc dính với nhau mà hương vị vẫn còn nguyên. Khi nấu chín thực phẩm: nấu rau đông lạnh rất thuận lợi vì nấu nhanh, không cần thêm nước nên sinh tố và hương vị của rau không mất. Nấu thịt miếng lớn rất nhanh chín và tiết kiệm thời gian. Khi nấu, nên đậy thực phẩm bằng giấy sáp, đĩa plastic để thức ăn không bị khô và chín đều. Sau khi tắt lò, món ăn vẫn tiếp tục được nấu chín cho tới khi nguội.

Để nấu ăn an toàn, cần lưu ý không nấu khi cửa lò không đóng kín hoặc bị vênh. Không hâm nóng hoặc nấu các đồ nấu bịt kín vì khi tăng nhiệt độ, áp suất cũng tăng cao sẽ gây nổ. Tương tự, không hâm nóng hộp thực phẩm đậy kín vì áp suất cao làm nổ. Không chạy lò khi không có thực phẩm trong lò. Luôn luôn có nước hoặc thực phẩm ướt khi dùng lò để tránh cho ống magnetron của lò khỏi bị hư hỏng.

Khi nấu hay hâm món ăn quá khô, có thể để một ly nước trong lò. Nước có tác dụng hút năng lượng điện từ trường, tránh cho ống magnetron khỏi bị cháy. Không chiên rán ngập mỡ trong lò vì chất béo quá nóng gây cháy. Tránh đè lên cửa hoặc nhấc lò lên bằng cánh cửa lò. Sau sử dụng vài năm, bạn cần kiểm tra lò một lần để xem có bị thất thoát sóng ra ngoài. Hằng ngày, mỗi khi dùng xong, cần lau chùi và giữ cửa lò sạch sẽ để cửa luôn luôn khép kín, tránh thất thoát sóng vi ba ra ngoài.

Tuy nhiên, lò vi sóng cũng có vài điểm bất lợi như: không phải loại thực phẩm nào cũng nấu được bằng lò vi ba;  sóng điện từ phân phối không đều, có chỗ nóng nhiều như ở chung quanh lò và chỗ ít nóng như ở giữa lò, cho nên thực phẩm ở giữa lò chậm chín hơn ở chung quanh lò. Để khắc phục thì khi nấu, bạn nên xếp thực phẩm theo vòng tròn, phần thực phẩm to, dày quay ra ngoài.

Nên dùng đồ đựng đặc biệt cho lò vi sóng như dụng cụ bằng thủy tinh, đồ sứ, đồ gốm, một vài loại plastic, giấy cứng đều dùng được. Đĩa giấy, khăn giấy rất tốt trong việc nấu bằng lò vi sóng. Không bao giờ dùng đồ sứ có viền kim loại sợ gây ra tia điện; đồ kim loại hút giữ nhiệt, làm thực phẩm lâu chín và cũng gây ra tia điện. Hình dạng nồi nấu: nồi hình tròn, món ăn chín đều, còn hình vuông thì ở góc chín nhiều hơn. Luôn luôn dùng đồ nấu to hơn món ăn để khỏi tràn ra ngoài. Không dùng các hộp xốp, bao giấy nâu vì hóa chất độc từ các thứ này khi nóng có thể khuếch tán vào thức ăn.

Xem thêm: