Latest Update

Tại sao tập thói quen hít thở sâu ?

Hãy để cơ thể của bạn luôn ở trạng thái khoẻ khoắn, khoan thai bằng cách tập thói quen hít thở sâu bằng bụng (cơ hoành). Thường ít ai để ý đến hơi thở của mình, nhưng chỉ cần thay đổi một chút, bạn sẽ thấy tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái hơn.

Lợi ích của hít thở sâu

hit-tho

Bạn sẽ ngạc nhiên trước những lợi ích của hít thở sâu bằng bụng đúng kỹ thuật:

– Thanh lọc cơ thể: Khi hít thở sâu sẽ giúp giãn nở phổi, đẩy nhanh quá trình trao đổi khí. Thở ra với lượng hơi dài đồng nghĩa với việc bạn đưa được nhiều hơn khí độc tích tụ trong cơ thể như N2, CO2 ra ngoài.

– Tốt cho tim mạch: Bạn không thể điều chỉnh nhịp tim của mình nhưng lại có thể điều chỉnh hơi thở. Việc tập luyện hít thở sâu đúng kỹ thuật sẽ giúp nhịp tim của bạn chậm lại. Việc thở chậm và sâu sẽ giúp tim giảm bớt khối lượng công việc, mạnh mẽ hơn, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.

– Giảm huyết áp: Khi xúc động, mệt mỏi khiến tim bạn đập nhanh hơn, huyết áp tăng. Tập kỹ thuật hít thở sâu thường xuyên, huyết áp sẽ điều hoà ổn định.

– Giảm stress hiệu quả: Khi bạn tập luyện hít thở sâu trong một thời gian sẽ giúp lượng serotonin tăng đáng kể. Đây là chất được não sản xuất ra giúp bạn không cảm thấy mệt mỏi, tinh thần luôn được điều hoà, chịu đựng được áp lực trong công việc và tăng khả năng tập trung. Ngoài ra, hít thở sâu sẽ giúp cung cấp lượng ô-xy cao cho não, giúp tinh thần phấn chấn, bạn sẽ không còn cảm thấy bị stress.

– Không còn lo âu: Khi bạn gặp một điều gì đó gây sợ hãi, lo âu, hơi thở thường gấp và tim sẽ đập nhanh hơn… điều này cho thấy tâm trạng có sự liên quan tới nhịp thở. Vì vậy, nếu điều chỉnh hơi thở của bạn luôn luôn đều đặn trong mọi cảm xúc thì bạn sẽ có suy nghĩ tích cực và giữ được bình tĩnh trong mọi tình huống.

– Giảm đau cho cơ thể: Khi bị đau, chấn thương, bạn thường nín thở hoặc thở nhanh hơn vì cảm giác lo sợ nếu thở nhiều sẽ khiến cho vết thương trở nên đau đớn hơn.

Lúc này, nếu bạn thở sâu, chậm, cơ thể sẽ tạo ra chất giảm đau tự nhiên giúp xoa dịu vết đau hiệu quả. Vì vậy, khi bạn cảm thấy đau đớn thì hãy bình tĩnh và áp dụng kỹ thuật thở sâu. Hít thở sâu cũng làm thư giãn các cơ giúp giảm cơn đau nhức cơ thường gặp.

– Điều hoà khí huyết: Kỹ thuật thở sâu kích thích sự vận động của những cơ quan quan trọng như sinh dục, tiêu hoá, bài tiết… Vì vậy, sẽ giúp khí huyết được điều hoà, nuôi dưỡng các bộ phận trên cơ thể tốt hơn.

– Hiệu quả với người mắc bệnh hen suyễn, cao huyết áp: Luyện tập hít thở sâu thường xuyên giúp bệnh nhân sẽ cải thiện được tình hình bệnh tật của mình.

Kỹ thuật tập luyện

Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra từ 20-30 phút tập luyện sẽ giúp bạn khỏe mạnh hơn, tinh thần phấn chấn. Bạn có thể áp dụng khi nào cảm thấy khó thở và tập luyện ở mọi nơi mọi lúc.

Trước khi luyện tập, hãy giữ cho tinh thần luôn thoải mái, không vướng bận, không nghĩ lan man, dẹp bỏ công việc sang một bên. Chú tâm vào luyện tập.

Bước 1: Thư giãn toàn bộ cơ thể. Bạn có thể ngồi hoặc nằm bất kỳ tư thế nào, miễn là cảm thấy thoải mái và thư giãn. Đặt một tay lên bụng, một tay lên ngực (đặt tay lên bụng để bạn biết chắc rằng đang tập thở bằng cơ bụng, vì lúc bình thường mỗi người đều thở bằng ngực). Khi đã quen rồi, bạn có thể bỏ qua bước này.

Bước 2: Hít mạnh vào, đảm bảo bụng của bạn phình ra, thở ra từ từ bằng mũi, bụng hóp lại. Khi hít vào bạn có thể ngưng vài giây sau đó thở ra.

Bước 3: Tập trung theo dõi hơi thở. Thực hiện đều, chậm và sâu khoảng 12-20 nhịp/phút. Nếu hơi thở gấp hơn bình thường, bạn có thể thở bằng miệng nhưng vẫn đảm bảo rằng bạn đang hít thở bằng cơ bụng.

Công việc đôi lúc bận rộn khiến bạn quên luyện tập cũng không sao. Bạn hãy tập luyện ngay khi bạn nhớ và nên kiên trì. Bạn cũng có thể tập hít thở sâu khi đi dạo, tản bộ tập thể dục.

Khi bạn thường xuyên luyện tập hít thở sâu bằng bụng trong thời gian dài sẽ tạo thành thói quen. Lúc đó, cho dù bạn không có chủ đích tập luyện thì phổi vẫn hô hấp sâu hơn bình thường, giúp bạn luôn giữ được sự tỉnh táo, thư giãn.

Tránh nơi nhiều khói bụi

Nạn nên chọn môi trường trong lành, yên tĩnh để thở sâu như trong công viên cây xanh, cạnh sông, hồ, ao có nguồn nước trong sạch. Tránh nơi ô nhiễm khói bụi.Không nên tập luyện khi mới ăn no. Trong khi tập luyện mà bạn cảm thấy đau tức ngực hoặc ho, khó thở thì nên ngừng tập và đi khám bác sĩ.Người có tiền sử bệnh tim hoặc bệnh liên quan đến hô hấp cần được bác sĩ tư vấn để chọn môi trường và chế độ luyện tập phù hợp.




2 thoughts on “Tại sao tập thói quen hít thở sâu ?

Comments are closed.